top of page

Phật lịch 2560                                                                                                 Số 19/TT/VTT

THÔNG ĐIỆP PHẬT ĐẢN 2640 (2016)

của Đức Đệ Ngũ Tăng Thống Thích Quảng Độ

 

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Gần ba nghìn năm qua, mỗi năm Phật Đản lại về, mang niềm hoan lạc và ánh đạo trải xuống trái đất, vào tâm hồn người

con Phật, như bóng trăng Rằm tỏ sáng trời đêm.

Nhân danh Hội đồng Lưỡng Viện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, tôi gửi lời trân trọng chúc quý liệt vị Trưởng lão,

Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức Tăng Ni, cùng đồng bào Phật tử các giới, trong và ngoài nước, một Mùa Phật Đản được

Pháp thân thanh tịnh đức Thế Tôn toả chiếu tràn đầy.

Hãy rước Phật vào lòng để cho mọi phiền não đoạn diệt, và chào đón Phật Đản như Mùa Gặt Mới của Giác ngộ.

Thế giới đang trầm luân với thiên tai sinh thái, và nhân tai bạo hành, khủng bố, tham giành quyền lực độc tôn. Sự có mặt

của người Phật tử, bất cứ ở đâu, phải là nguồn ban phát an lạc và hoà điệu cho tha nhân, là điều nhân loại trông chờ tha

thiết kể từ cuộc chiến tranh lạnh chấm dứt đến nay.

Thời cuộc 41 năm qua đã không để cho dân tộc nói chung, và người Phật tử nói riêng, phát huy bản sắc Việt và Phật tính Chân Như, giúp nước ta kết cánh cùng thế giới văn minh, tạo cõi an lành, đạo vị trên lãnh thổ quê hương.

Từ năm 1970, qua Thông điệp “Con Đường Hoá Giải”, Đức Cố Đệ Nhất Tăng Thống Thích Tịnh Khiết nói lên một sự thật bi thống. Ngài bảo :

“Đích thực từ trước tới nay, dân chúng Việt Nam chưa bao giờ được nói tiếng nói chân thành của mình, được thể hiện nguyện vọng chính đáng của mình. Chúng ta, người Việt yêu nước thương nòi nhất định không để cho bất cứ ai lợi dụng danh nghĩa của Dân chúng, mưu đồ quyền hành danh lợi và thực hiện chủ trương xâm lăng nữa”.

Trước đó, qua Thông điệp Phật Đản 2513 (1969), Đức Cố Đệ Nhất Tăng Thống đã khẳng định :

“Lịch sử đã chứng minh, dân tộc Việt Nam có sức hóa giải bền bỉ, phi thường. Sức hóa giải đó là bản chất của dân tộc mà cũng chính là bản chất của Phật giáo. Vì Phật giáo xây dựng trên tinh thần Trí Tuệ, Từ Bi và Hùng lực. Việt Nam vượt qua được giai đoạn bị đồng hóa là nhờ ở đức bao dung, sự đãi lọc và lòng kiên trì phát triển. Chính nhờ ở những căn bản quý giá ấy, mà đã hơn một lần, Phật giáo trợ duyên cho dân tộc hóa giải những lối sống xuất thế và nhập thế của các luồng tư tưởng Đông phương, tạo ra sự quân bình tư tưởng cho Việt Nam dưới thời tự chủ Lý – Trần kéo dài trên ba thế kỷ. (…) Trong cuộc xung đột ý thức hệ của nhân loại hiện nay, Việt Nam bị chọn làm nơi thử thách, để biến thành cuộc chiến tranh khốc liệt. Khi chiến tranh chấm dứt, chưa phải là cuộc xung đột ý thúc hệ đã kết thúc ; trái lại, nó còn quyết liệt hơn bao giờ hết. Nếu không có một sức mạnh HÓA GIẢI”.

Hàng chục năm qua, dân chúng thuộc các tầng lớp xã hội, nhất là giới nông dân công nhân cùng tín đồ các tôn giáo, vô cùng mong đợi, thiết tha đòi hỏi nhân quyền, dân chủ, và tự do tôn giáo. Bởi họ biết các điều căn bản này chưa hiện hữu trong thực tế, thì đời sống tinh thần và cơm no áo ấm càng mất hút, quốc gia không thể phát triển để sánh vai với các nước láng giềng trong Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Tự do tôn giáo và tư tưởng là mẹ đẻ của mọi tự do cơ bản. Khi tư tưởng của người dân, cách sống đạo theo tôn giáo của người dân bị cấm đoán, thì các thứ tự do khác, như ngôn luận, báo chí, lập hội, biểu tình v.v… cũng vĩnh viễn mất theo.

Kể từ năm 1930 đến nay, suốt 86 năm ròng, Đảng Cộng sản nắm trọn trong tay quyền tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận và báo chí, nhất là từ ngày nắm hết quyền thống trị nhân dân. Tín ngưỡng Đảng càng độc tôn, mọi tôn giáo và tư tưởng Việt càng bị tiêu diệt. Ngôn luận Đảng càng toàn năng, quyền sống và quyền ăn nói của nhân dân càng bị thu hẹp để biến mất trong hư vô.

Nhân ngày Phật Đản của Đạo từ bi và hòa bình, những người lãnh đạo Đảng Cộng sản nên suy nghĩ lại mà học tập lòng bao dung thương người của giáo lý đạo Phật, để biết ưu tư, lo lắng cho chủ quyền đất nước và 90 triệu dân lành, thay vì chia sớt đặc quyền đặc lợi cho riêng thiểu số đảng viên 4 triệu người.

Kính thưa chư liệt vị Trưởng lão, Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức Tăng Ni, nam nữ Cư sĩ Phật tử trong và ngoài nước,

Để có sự đổi thay, an lạc cho quê hương, tôi kêu gọi chư vị hãy trau dồi đạo hạnh như Đức Cố Đệ Tam Thăng Thống Thích Đôn Hậu căn dặn trước khi Ngài về cõi Phật :

“Trong lịch sử truyền bá Phật giáo Việt Nam cũng như thế giới, có lúc bi thảm đầy tủi nhục, nhưng có lúc cũng vẻ vang rất đáng tự hào. Lúc bi thảm là lúc bản thể của Tăng bị lu mờ, nội bộ của Tăng bị phân hoá và thành phần của Tăng có nhiều quan điểm dị biệt, giới hạnh suy hoá và hiểu biết đạo lý một cách cục bộ, phiến diện. Trái lại lúc vẻ vang, là lúc nội bộ chúng Tăng hoà hiệp, biết gạt bỏ những quyền lợi riêng tư, những ngã chấp tầm thường để tiến xa trên con đường tịnh hạnh, lấy giác ngộ giải thoát làm cứu cánh, lấy bản nguyện độ sinh làm sự nghiệp”.

Cầu xin Đức Thế Tôn hộ trì cho tất cả chúng ta.
Nam Mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

 

Thanh Minh Thiền viện, Rằm tháng Tư
năm Bính Thân, 2016 – Phật Đản P.l. 2560
Đệ Ngũ Tăng Thống
Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất
(ấn ký)
Sa môn THÍCH QUẢNG ĐỘ

htthichquangdo-2.jpg
bottom of page